Cơn sóng chip AI khuấy đảo ngành công nghệ 2023

Mỹ, Trung Quốc, châu Âu ráo riết chạy đua tự chủ chip AI trong khi thế giới công nghệ chứng kiến hàng loạt biến cố trong cơn khát GPU.

Cơn sốt AI tạo sinh càn quét làng công nghệ trong năm 2023. Nhưng phía sau sự hào hứng của thị trường là một cơn sóng ngầm xoay quanh chip AI, nhất là GPU. Trong huấn luyện AI, chip đồ họa GPU chiếm ưu thế so với CPU nhờ khả năng tiến hành song song hàng loạt tính toán. Từ cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung đến bí ẩn sau cuộc sa thải bất ngờ đối với CEO OpenAI Sam Altman đều có bóng dáng của chip AI.

Cơn khát chip AI

Sự bùng nổ của AI tạo sinh đưa Nvidia thành ngôi sao sáng nhất về phần cứng. H100 của hãng hiện là chip đồ họa GPU mạnh nhất trên thị trường, dùng để vận hàng các cỗ máy siêu AI. Jensen Huang, CEO Nvidia, mô tả đây là “hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI”. Trong cơn sốt, trên thị trường chợ đen, mỗi chip có giá lên đến 46.000 USD (hơn một tỷ đồng).

Theo công ty nghiên cứu Omdia, chỉ trong một quý, Nvidia bán được nửa triệu chip H100. Cơn khát chip cũng đưa Nvidia thành nhà thiết kế chip lớn nhất thế giới. Giá trị vốn hóa của công ty cán mốc 1.000 tỷ USD, cao hơn cả Netflix, Nike và Novo Nordisk cộng lại.

CEO Nvidia Jensen Huang giới thiệu chip H100 tại Computex 2023 Đài Loan ngày 30/5

Cơn khát chip cũng khiến các nhà sản xuất bán dẫn không thể ngồi im. Dù vấp phải lệnh cấm của Mỹ, Huawei được cho là đã sản xuất thành công những mẫu chip AI cơ bản để lấp khoảng trống Nvidia để lại. Theo Reuters, kết thúc tháng 10, Huawei giao hơn 60% trong đơn đặt hàng 1.600 chip Ascend 910B để thay thế Nvidia A100 trên 200 máy chủ cho Baidu. Các chuyên gia đánh giá 1.600 chip không phải đơn hàng lớn nhưng là tín hiệu cho thấy Mỹ không còn giữ thế độc quyền và Huawei đang được trao cơ hội để chinh phục thị trường 7 tỷ USD ở quê nhà.

Hành động của Mỹ và câu trả lời của Trung Quốc

Sau khi thông qua Đạo luật Chip vào tháng 8/2022, từ đầu năm nay, Mỹ liên tục gia cố lệnh cấm để ngăn Trung Quốc hưởng lợi từ gói hỗ trợ 53 tỷ USD. Chip AI là mặt hàng được đặc biệt lưu ý. Nvidia, công ty đang áp đảo thị phần GPU, bị cấm bán chip tiên tiến A100 và H100 cho doanh nghiệp Trung Quốc. Sau đó, những chip đời thấp hơn như H800 và A800 cũng bị siết chặt. Động thái của Mỹ được xem là đã giáng đòn mạnh vào tham vọng vọng AI của Trung Quốc, nơi hàng loạt “ông lớn” công nghệ như Tencent, ByteDance, Baidu, Alibaba đang đẩy nhanh phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và AI tương tự ChatGPT.

Nhân viên làm tại dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của Jiangsu Azure (Trung Quốc).

Ngay sau lệnh cấm, các công ty Trung Quốc ráo riết săn lùng và tìm cách tích trữ chip AI. Theo các nhà phân tích, việc Mỹ ngăn Nvidia bán chip có thể khiến Trung Quốc đi lùi trong cuộc đua AI. Đầu tháng 8, SCMP dẫn nguồn từ chuỗi cung ứng rằng hàng loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã nhanh chóng đặt hàng khoảng 100.000 bộ A800 trị giá hơn một tỷ USD từ Nvidia, giao hàng năm nay. Bên cạnh đó, số đơn hàng khác với tổng giá bốn tỷ USD sẽ được giao năm 2024.

Ở chiều ngược lại, các nhà sản xuất chip Trung Quốc lạc quan trước lệnh cấm và xem đây là động lực giúp họ dễ dàng tiếp cận quỹ 41 tỷ USD. Theo Reuters, quỹ Big Fund đang được chính phủ Trung Quốc âm thầm chuẩn bị nhằm tự chủ nguồn chip, tạo thế cân bằng với quỹ 53 tỷ USD của Mỹ.

Châu Âu cũng không ngồi yên khi thông qua gói hỗ trợ bán dẫn 47 tỷ USD vào tháng 4, với mục tiêu nhân đôi thị phần sản xuất chip của châu lục lên 20% vào 2030. SCMP dẫn lời Thierry Breton, Ủy viên Thị trường nội địa thuộc Ủy ban châu Âu, rằng đây nỗ lực mới nhất của EU nhằm bắt kịp Mỹ và châu Á về khả năng sản xuất bán dẫn.

Cuộc đua mới

Chip không chỉ là tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ giữa các cường quốc hay giữa các nhà sản xuất bán dẫn, nó còn liên quan đến nhiều bí mật chưa được tiết lộ của làng công nghệ.

Ngày 17/11, Sam Altman, CEO OpenAI, bất ngờ bị sa thải, nhưng được phục chức sau 5 ngày. Trong tài liệu được trang Wired tiếp cận, OpenAI năm 2019 ký một thỏa thuận 51 triệu USD để mua chip từ Rain AI. Công ty này có trụ sở tại San Francisco, cách OpenAI chưa đến một dặm và nghiên cứu một loại chip mô phỏng não người (NPU). Rain AI dự kiến tung ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 10 năm sau. Điểm đặc biệt là Altman, dưới danh nghĩa cá nhân, cũng đầu tư vào công ty này một triệu USD.

Trong nhiều năm, Altman thường xuyên phàn nàn về chi phí đắt đỏ cho chip AI và dự đoán trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra “khủng hoảng tàn khốc” về chip, đồng thời khẳng định tốc độ phát triển AI sẽ phụ thuộc vào các thiết kế chip và chuỗi cung ứng mới.

Năm 2023 khép lại bằng loạt tuyên bố “tham chiến” của những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. AMD cho biết bộ vi xử lý MI300X, thuộc dòng Instinct MI300 chuyên cho mô hình AI tạo sinh, có thông số tương đương H100 mạnh nhất từ Nvidia. Tháng trước, Microsoft trình làng chip Azure Maia 100 để cạnh tranh với Nvidia. Ngày 14/12, Intel công bố chip Gaudi3 chuyên dụng cho AI tạo sinh. Trong khi đó, ngày 13/11, Nvidia cũng công bố mẫu H200, dự kiến ra thị trường vào quý II/2024, và dự kiến “tạo ra bước nhảy vọt về hiệu suất, nhất là khả năng suy luận của các mô hình AI dữ liệu lớn”.

Các chuyên gia dự đoán chip AI sẽ vẫn là một trong những tâm điểm của ngành công nghệ trong năm tới khi AI tạo sinh tiếp tục bùng nổ, trong khi trí tuệ nhân tạo tổng quát AGI có thể sớm thành hiện thực khi GPU chuyên dụng được nâng cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *